Trẻ tranh giành đồ chơi của nhau là mâu thuẫn thường xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào. Đứng trước tình huống này, ba mẹ sẽ làm gì? Nếu người lớn buông tay đúng lúc để trẻ tự giải quyết thì khi lớn lên chúng sẽ tự lập hơn. Ngược lại, nếu chúng ta vội can thiệp, bắt trẻ nhường nhịn, quy chụp, phán xét hành động của trẻ, trẻ dễ bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách và hành động ứng xử trong giai đoạn đầu đời.
Tại sao trẻ nhỏ thường hay tranh giành đồ chơi với nhau
Nghiên cứu tâm lý học về trẻ mầm non phản ánh rằng, trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải trải qua một “thời kỳ mẫn cảm với quyền sở hữu đồ vật”. Bởi vậy, việc tranh giành đồ chơi là tâm lý hoàn toàn tự nhiên của mỗi đứa trẻ.
Cụ thể, trong giai đoạn này, trẻ luôn có xu hướng cho mình là trung tâm và các con có xu hướng gắn nhãn sở hữu cho những đồ vật mình thích và hay sử dụng. Vì vậy, khi cảm thấy món đồ chơi yêu thích “của mình” bị xâm phạm, “cuộc chiến” giành giật của trẻ dễ bùng nổ để bảo vệ quyền sở hữu.
Cơ hội để học hỏi nhiều điều hay
Tuy nhiên, việc tranh giành lại là cơ hội giúp trẻ học được nhiều điều hay nếu ba mẹ và người lớn thấu hiểu và tôn trọng trẻ, trao cho các con quyền tự giải quyết vấn đề thay vì bắt ép con làm theo ý của mình.
Cô Nguyễn Thu Hiền, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm ERPC chia sẻ: “Việc ba mẹ nóng vội can thiệp, bắt trẻ nhường nhịn hoặc phán xét hành động của trẻ sẽ khiến trẻ dễ bị tổn thương. Nhiều trẻ sẽ phản ứng lại bằng việc khóc lóc; một số trẻ lại giấu ấm ức trong lòng, lâu dần hình thành cảm giác tự ti, bất an, thậm chí cục cằn, ghen ghét, đố kị hoặc thu mình, khó hòa nhập với môi trường. Trẻ sẽ đối xử với người khác như cách mà mình bị đối xử và sống với những khiếm khuyết về tâm lý, tính cách trong tương lai”.
Sự va chạm, tranh giành đồ chơi sẽ thúc đẩy các con tự tìm cách giải quyết những xích mích. Người lớn có thể để các con tranh luận 1, 2 phút hay va chạm miễn là không ai bị thương. Con sẽ học được cách biểu đạt nội tâm của mình trước người khác để ứng xử phù hợp hơn trong tương lai.
Qua việc tranh giành, khả năng tự phán đoán, phản xạ của trẻ nhanh hơn, dẫn dắt trẻ nhìn nhận đúng sự việc và hình thành các tiêu chuẩn về sự đúng – sai, hợp lý – vô lý.
Đặc biệt, những cuộc cãi vã, tranh giành của trẻ cũng là một trong những cách giúp trẻ phát triển tư duy phản biện. Các con buộc phải sử dụng ngôn ngữ, lý lẽ để giải quyết, thuyết phục đối phương, sẵn sàng hợp tác hoặc thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi.
Ba mẹ nên làm gì khi trẻ tranh giành đồ chơi với nhau?
Ba mẹ nên nhìn nhận việc tranh giành của trẻ như là một cơ hội để giúp các con bồi dưỡng những kỹ năng. Bởi phương pháp thiết lập các nguyên tắc giúp trẻ biến tranh giành thành cơ hội để đàm phán, thấu hiểu và phát triển kỹ năng.
Lắng nghe và trao quyền cho trẻ
Dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, khi trẻ thiếu hợp tác, các giáo viên và ba mẹ sẽ dành thời gian để quan sát, đánh giá khách quan về hành động của trẻ. Trường hợp trẻ chỉ tranh giành, chưa có yếu tố gây nguy hiểm cho các bạn khác, giáo viên sẽ để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình. Nếu cuộc tranh giành tăng lên làm trẻ đau hoặc gây hỏng đồ chơi, giáo cụ, người lớn sẽ tách trẻ ra, giúp trẻ bình tĩnh, lắng nghe và chia sẻ với các con ngay sau đó.
Ba mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tự nói ra vấn đề của mình rồi trao cho trẻ cơ hội lựa chọn: “Một là con sẽ chọn một đồ chơi khác, chờ đợi đến khi bạn chơi xong rồi đến lượt mình. Hai là con có thể ngồi để quan sát và chơi cùng bạn”.
Thay vì cố gắng phân giải ngay tại chỗ thì ba mẹ nên tách trẻ ra đứng riêng biệt. Hãy cố gắng trấn an trẻ bằng cách nói ” Con bình tĩnh và kể cho ba nghe nghe các con đã xảy ra chuyện gì”. Nhấn mạnh cho trẻ hiểu rằng trẻ cần phải bình tĩnh.
Ví dụ như trẻ đang khóc, hãy ôm trẻ và nói “Con khóc thì kể sẽ không rõ ràng. Hít thở sâu nào, nín khóc rồi kể lại mọi chuyện cho ba/mẹ hiểu được không?”
Và khi trẻ đã bình tĩnh lại, kể đầu đuôi câu chuyện thì cha mẹ hãy nghiêm túc lắng nghe. Việc được lắng nghe sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được cảm thông, cảm xúc tiêu cực cũng sẽ được giảm bớt. Đôi khi tới bước này, mâu thuẫn giữa các con đã được giải quyết.
Cùng trẻ giải quyết, trò chuyện để con hiểu và kiên nhẫn chờ đợi đến lượt của mình…
Ba mẹ nên mở một “hội nghị bàn tròn” cùng các con nói chuyện, phân tích mặt tích cực của chơi cùng nhau, nếu vì một món đồ mà các con xích mích thật là không đáng, rằng bạn bè thì chúng ta nên học cách sẻ chia…
Trong quá trình “phân xử” này, người lớn hãy đóng vai trò trung gian – “nhà hòa giải” phân tích khách quan cho trẻ, tuyệt đối cha mẹ không là người ra quyết định chính hoặc ép buộc trẻ phải chơi thế này, phải chơi thế kia.
Ba mẹ cũng nên trò chuyện để trẻ hiểu và tuân theo nguyên tắc “chờ đợi đến lượt của mình…”, để trẻ học được cách chờ đợi, biết tôn trọng sự lựa chọn của bạn khi bạn đã chọn trước hoặc biết cách đàm phán, thỏa thuận với bạn bè thay vì tranh giành. Ba mẹ và các con cùng thiết lập nguyên tắc và tuân thủ nguyên tắc đó để các con biết nhường nhịn, chia sẻ với nhau.
Thực tế, việc tranh giành vốn là điều không thể tránh khỏi trong thế giới của trẻ nhỏ. Người lớn hãy thật tinh tế để nhìn nhận vấn đề, dẫn dắt con đến việc tự giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực, tránh nóng vội, làm tổn thương tâm lý trẻ.